Bấm vào đây để xem

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Lịch sử nha trang xưa và nay



Nha Trang là một thành phố ven biển tại tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Đầu thế kỷ XIX, thành phố Nha Trang ngày nay còn là một bãi biển hoang sơ với một làng chài vài mươi nóc nhà tranh ở xóm Cồn dọc theo cửa sông Cái. Chỉ có duy nhất một ngôi nhà xây 2 tầng lầu mầu trắng là nhà làm việc của Bác sĩ Alexandre Yersin (lầu ông Năm). Người đến đây bằng đường biển sẽ thấy ngôi nhà trắng trước tiên, Nha Trang chính là "nhà trắng" được gọi chệch đi. Đó là cách kiến giải về xuất xứ tên gọi Nha Trang của những người ngưỡng mộ A. Yersin, một công dân đặc biệt của thành phố.
Thực chất, tên Nha Trang bắt nguồn từ tiếng Chăm. Đó là Ea Tran hay Yjatran. Ea hay Yja là sông. Tran là lau lách (sông Lau). Gọi như vậy là vì xưa kia, lau lách mọc đầy hai bên bờ sông Cái đổ ra cửa biển Cù Huân (Nha Trang ngày nay). Lâu dần nó được gọi chệch thành Nha Trang. Tên sông sau thành tên đất, rồi được dùng cho cả vịnh biển ôm ấp và làm đẹp cho vùng đất.


Trong các sách viết trước thời Pháp thuộc đã dùng đến chữ Nha Trang. Trong tập "Phương Đình Dư địa chí" của Nguyễn Siêu đời Tự Đức, do Ngô Mạnh Nghinh dịch, phần viết về tỉnh Khánh Hòa ghi rõ rằng: "Năm Quý Sửu đại quân lấy lại Bình Khang doanh, tiến đánh thành Quy Nhơn, lúc ban sư đắp thành đất ở thủ sở Nha Trang, gọi là thành Diên Khánh, núi sông thực là thiên hiểm, tục gọi là Nha Trang thành". Trong "Đại Nam nhất thống chí của Cao Xuân Dục soạn thời Duy Tân cũng có nói đến Nha Trang. Song không phải tên thành phố mà là tên một nguồn của con sông Cù Giang: nguồn Nha Trang, vũng Nha Trang (vịnh Nha Trang ngày nay).
Trước năm 1924, vùng đất mang địa giới hành chính Nha Trang ngày nay còn thuộc huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Năm 1924, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang. Lúc hình thành, thị trấn Nha Trang có 4 làng: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài. Ngày 15-3-1944, vua Bảo Đại ra đạo dụ lấy thêm phần đất làng Phước Hải của huyện Vĩnh Xương sáp nhập vào thị trấn Nha Trang, đổi làng thành phường, nâng thị trấn lên thành thị xã. Thị xã Nha Trang lúc đó có 5 phường: phường đệ nhất (Xương Huân), phường đệ nhị (Phương Câu), phường đệ tam (Vạn Thạnh), phường đệ tứ (Phương Sài), phường đệ ngũ (Phước Hải).
Sau ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp cho chuyển cơ quan hành chính tỉnh Khánh Hòa về Nha Trang, tách phần đất Diên Khánh ngày nay ra khỏi huyện Vĩnh Xương. Huyện Vĩnh Xương còn lại phần đất của phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Vĩnh Hải và các xã ngoại thành Nha Trang hiện nay. Toàn huyện chia làm 2 tổng Sơn Hà và Xương Hà.
Ngày 28-8-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm ra đạo dụ số 50 bãi bỏ quy chế thị xã, tách Nha Trang thành 2 xã là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương. Ngày 20-7-1970, tách 2 xã Nha Trang Đông và Nha Trang Tây ra khỏi Vĩnh Xương và lấy thêm các xã Vĩnh Phước, Vĩnh Hải, các ấp Vĩnh Xuân xã Vĩnh Thái, Vĩnh Điềm Hạ xã Vĩnh Hiệp, ấp Ngọc Hội, Ngọc Thảo, Lư Cấm xã Vĩnh Ngọc của quận Vĩnh Xương thành lập thị xã Nha Trang. Năm 1972, thị xã Nha Tramg được chia làm 2 quận. Quận I có 5 phường là: Vĩnh Thái, Vĩnh Phước, Ngọc Hiệp, Vạn Thạnh, Duy Tân (Xương Huân cũ). Quận II gồm 6 phường là: Phương Sài, Tân Phước, Tân Lập, Phước Hải, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên.


Ngày 2-4-1975, tỉnh Khánh Hòa được giải phóng. Ngày 6-4-1975 Ủy ban quân quản tỉnh Khánh Hòa tách Vĩnh Trang thành 3 đơn vị hành chính. Vùng đất thị xã Nha Trang trước đây chia làm 2 quận (Quận I và Quận II) và huyện Vĩnh Xương cũ đổi thành quận Vĩnh Xương. Tháng 9-1975, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Khánh Hòa quyết định hợp nhất Quận I và Quận II, lấy thêm các phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước của quận Vĩnh Xương thành lập thị xã Nha Trang. Tháng 4-1975, 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất lại thành tỉnh Phú Khánh. Phần đất của quận Vĩnh Xương nhập vào quận Diên Khánh làm thành huyện Khánh Xương. Ngày 30-3-1977, theo Quyết định số 391-QĐ/CP của Hội đồng Chính phủ, lấy 7 xã của huyện Vĩnh Xương cũ là Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương cắt ra khỏi huyện Khánh Xương nhập vào thị xã Nha Trang. Đồng thời nâng thị xã Nha Trang lên thành thành phố trực thuộc tỉnh Phú Khánh.
Ngày 1-7-1989, tỉnh Phú Khánh được tách thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, TP. Nha Trang trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
TP. Nha Trang hiện nay có diện tích tự nhiên là 251km2. Nha Trang nằm trên tọa độ địa lý 1208'33" đến 12025'18" vĩ độ Bắc và 10907'16" đến 109014'30" kinh độ Đông. Phía Bắc giáp xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, phía Nam giáp các xã Cam Hải, Cam Tân, thị xã Cam Ranh, phía Tây giáp các xã Diên An, Diên Phú, huyện Diên Khánh, phía Đông giáp biển Đông.


TP. Nha Trang hiện nay có 27 xã phường, trong đó có 19 phường, 8 xã. Đó là các phường: Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước, Phước Long, Phước Tân, Phước Tiến, Phước Hòa, Phước Hải, Phương Sơn, Phương Sài, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Xương Huân, Tân Lập, Lộc Thọ, Ngọc Hiệp và các xã Vĩnh Phương, Vĩnh Lương, Vĩnh Trung, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh, Phước Đồng.
Đơn vị được thành lập sớm nhất là 4 làng Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài thuộc thị trấn Nha Trang vào năm 1924. Đơn vị được thành lập muộn nhất là phường Vĩnh Hòa vào ngày 1-4-2002.


Được che chắn bởi 19 đảo lớn nhỏ, vịnh Nha Trang rộng chừng 500km2 khá kín gió, không có sóng lớn. Cửa sông Cái đổ ra giữa hai bãi biển hình trăng khuyết, cát mịn mát trải dài hàng 6, 7 cây số. Dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới, màu xanh của những triền núi nhấp nhô trên bờ, của các hòn đảo hoà cùng mầu biển biếc, như tôn thêm vẻ quyến rũ của những dải cát vàng dạt dào sóng trắng. Trong vịnh Nha Trang có gần mười đảo yến, hằng năm việc khai thác yến sào mang về hàng triệu USD cho tỉnh Khánh Hòa. Dưới mặt vịnh Nha Trang lại có một thế giới kỳ thú khác, đó là thế giới của 350 loài san hô, 190 loài cá, các loài nhuyễn thể, giáp xác, cỏ biển... Tháng 12-2000, dự án Khu bảo tồn biển Hòn Mun trong vịnh Nha Trang. Khu bảo tồn biển đầu tiên của nước ta đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cười lên một tí - Thỏa chí tang bồng